05/10/2022
Lượt xem: 255
Hội thảo khoa học quốc tế “Đánh giá hệ thống chính sách quản lý tài nguyên - môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thích ứng biến đổi khí hậu”
Ngày 04/10/2022, Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Northumbria (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Đánh giá hệ thống chính sách quản lý tài nguyên - môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thích ứng biến đổi khí hậu" với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng châu thổ có địa hình thấp và khá bằng phẳng. Do đó, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Biến đổi khí hậu sẽ tác động ngày càng trầm trọng, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Vùng. Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và đa dạng. Các nguồn tài nguyên bao gồm: đất, nước (nước mặt và nước ngầm), rừng, biển, khoáng sản, đa dạng sinh học,....trong đó đất và nước là hai nguồn tài nguyên quý và có hạn; nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do khai thác chưa hợp lý đã khiến các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, cần có chính sách và giải pháp sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Nhằm đánh giá thực trạng thực thi chính sách quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, môi trường hướng đến thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Chiều ngày 04/10/2022 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Học viện Chính trị khu vực IV phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Northumbria (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Đánh giá hệ thống chính sách quản lý tài nguyên - môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thích ứng biến đổi khí hậu", với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trường Chính trị,…khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo TS. Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nhận định, để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, tiêu biểu là Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ. Sau thời gian triển khai, các chỉ đạo này đã phát huy hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực trạng thực thi chính sách quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu còn một số hạn chế, bất cập như sự không nhất quán và đồng bộ khi triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ở các địa phương trong vùng; thực hiện Nghị quyết mà không bám sát điều kiện thực tiễn ở từng tỉnh, thành phố;…
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nêu một số mô hình quản lý hiệu quả trong và ngoài nước làm định hướng tham khảo; đề xuất một số giải pháp về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu như ông Matthew Andersen, Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ đề xuất khung tích hợp để kiểm tra tính dễ bị tổn thương của nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long; ông Laurent Umans, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã nêu mô hình chính sách cho mối quan hệ mới giữa con người và thiên nhiên; ông Oliver Hensengerth, Đại học Northumbria (Vương Quốc Anh) nêu chính sách khử cacbon ở Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến phát triển bền vững. Ngoài ra, các nhà khoa học ở Việt Nam cũng đã đánh giá chính sách phòng ngừa rủi ro nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình quản trị biến đổi khí hậu ở Việt Nam; đề xuất một số giải pháp quản lý tài nguyên đất và nước để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long,...
Tác giả: Đặng Thị Kim Tuyến